Văn Phòng Tỉnh ủy Hưng Yên. Số 12, đường Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Công tác Văn phòng cấp ủy
Đăng ngày: 21/02/2024 - Lượt xem: 109
Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về“Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Cho đến nay, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, luôn được vận dụng và cụ thể hóa trong các quan điểm chỉ đạo của Đảng. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trên cơ sở kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng về công tác dân vận, trong đó có Nghị quyết số 25 - NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh với Ban Thường vụ các huyện, thị ủy, thành ủy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25 - NQ/TW trong cán bộ, hội viên nông dân đạt hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên nông dân và nhân dân được nâng lên, các chính sách về an sinh xã hội, chăm lo người có công, người nghèo được thực hiện tốt; cùng với các ngành, các cấp hội và hội viên nông dân trong tỉnh tích cực đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Công tác tuyên truyền vận động có chuyển biến tích cực, các cấp hội phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành quan tâm đến công tác tuyên truyền giáo dục từ đó làm chuyển biến về nhận thức, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động mang ý nghĩa chính trị - xã hội được đẩy mạnh với nhiều nỗ lực để triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận, công tác phối hợp thông qua các quy chế phối hợp, nghị quyết liên tịch có nhiều đổi mới và thực hiện hiệu quả; bên cạnh đó công tác cải cách thủ tục hành chính đã tạo điều kiện trong giải quyết công việc cho nhân dân; công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, phát triển hội viên được tăng cường; quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện cơ bản hiệu quả, từ đó vị trí, vai trò của tổ chức hội trong việc thực hiện công tác vận động quần chúng của Đảng được khẳng định rõ nét; vai trò nòng cốt của hội viên nông dân trong các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước được thể hiện mạnh mẽ góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp hội trong tỉnh đạt được những kết quả trên một số mặt tiêu biểu là:

Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05 - CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp hội tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng theo tinh thần đổi mới, thiết thực, phù hợp từng đối tượng, đặc điểm cụ thể của từng địa phương. Bên cạnh đó công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên trên các lĩnh vực như: giám sát việc triển khai thi hành Điều lệ Hội, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, kiểm tra các loại quỹ hội, phong trào nông dân... Đến nay, tổng số cuộc kiểm tra, giám sát của các cấp hội là 2.975 cuộc. Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy: Các cấp hội đã triển khai, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định; nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như quản lý thu chi nguồn quỹ, các mô hình kinh tế, mua sắm tài sản; thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Qua kiểm tra, giám sát đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những dấu hiệu sai phạm không để xảy ra vi phạm lớn, giữ ổn định tình hình ở các địa phương, đơn vị; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, sự trong sạch của Đảng.

Về công tác tiếp dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư, phản ánh, kiến nghị của hội viên, nông dân.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện Quyết định số 81/2014-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, Hội Nông dân tỉnh tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và chỉ đạo các cấp hội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý; hàng năm triển khai 01 mô hình thực hiện Quyết định số 81/2014 - TTg tại các huyện; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 100 câu lạc bộ nông dân với pháp luật; duy trì địa chỉ đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về vấn đề bức xúc và vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến nông dân (các lĩnh vực: vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; an toàn vệ sinh thực phẩm; các chính sách Nhà nước hỗ trợ cho nông dân; đất đai, môi trường; việc thu, chi các khoản đóng góp của nông dân, vấn đề vi phạm quy chế dân chủ ở nông thôn. Các cấp hội trong tỉnh tham gia hòa giải thành công ngay tại cơ sở 1.537 vụ; Phối hợp giải quyết 200 vụ, việc chuyển hồ sơ cơ quan chức năng 286 vụ theo giải quyết theo thẩm quyền. Các vướng mắc của hội viên, nông dân về pháp luật và các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn được giải đáp kịp thời. Hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu tổ chức thành công các hội nghị đối thoại giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với cán bộ, hội viên, nông dân, điển hình như: Hội Nông dân huyện Văn Lâm tổ chức Hội nghị Bí thư Huyện ủy; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đối thoại trực tiếp với 111 cán bộ, hộ viên nông dân. Hội Nông dân huyện phối hợp với Ban QLDA huyện và các phòng, đoàn thể huyện tổ chức 02 hội nghị đối thoại với 20 hộ gia đình thực hiện dự án Khu nhà ở và dịch vụ đô thị, công nghiệp Như Quỳnh (trong đó thôn Như Quỳnh 7 hộ, thôn Ngô Xuyên 13 hộ). Hội Nông dân các xã: Minh Hải, Tân Quang, Thị trấn Như Quỳnh tổ chức 03 Hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nông dân có 132 người dự...Tháng 12/2022, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu tổ chức thành công Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân năm 2022 với chủ đề “Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”.

Việc xây dựng và thực hiện quy chế về công tác dân vận

Hội Nông dân phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp phổ biến, tuyên truyền tới hội viên, nông dân, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về công tác dân vận; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân; tham gia xây dựng đảng, chính quyền; tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua do địa phương phát động; hội đã tổ chức 170 hội nghị, lớp tập huấn quán triệt, tuyên truyền Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị cho 27.000 cán bộ, hội viên, nông dân. Có 3180 ý kiến tham gia góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ Luật dân sự, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 41/2010/NĐ-CP; dự thảo Thông tư thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ/TTg và hàng ngàn ý kiến góp ý vào các dự thảo nghị quyết của HĐND các cấp, các đề án, chương trình phát triển kinh tế xã hội; phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, vận động cán bộ, công chức và hội viên nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phát động các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào “Dân vận khéo”; việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận.

Hội nông dân các cấp tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ động xây dựng kế hoạch phát động thi đua với nhiều hình thức thi đua phong phú, nội dung thiết thực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực gắn với nhiệm vụ của hội. Trong phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” các cấp hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hội thảo đầu bờ, xây dựng mô hình trình diễn, ủy thác và tín chấp cho nông dân vay vốn, mua vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm với lãi suất ưu đãi; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Hàng năm, bình quân có trên 112.000 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và cuối năm có trên 60.000 hộ đạt.

Nhằm phát huy tốt những kết quả đạt được trong thời gian tới các cấp hội tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 25 - NQ/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công công tác dân vận; nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân đối với việc xây dựng và thực hiện công tác dân vận; gắn việc thực hiện công tác dân vận với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh công tác giáo dục cho đội ngũ cán bộ, hội viên về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần, trách nhiệm, cải tiến phương pháp, lề lối làm việc theo phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; thực hiện có hiệu quả các quy chế, chương trình phối hợp giữa hội nông dân với các tổ chức, các cơ quan đơn vị nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của tổ chức hội và của từng địa phương. Tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội; đa dạng hóa nâng cao chất lượng hình thức tập hợp hội viên, vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 Lưu Tuấn Tú - Ủy viên BTV,

Trưởng Ban Xây dựng Hội, HND tỉnh

Tin liên quan