Văn Phòng Tỉnh ủy Hưng Yên. Số 12, đường Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Đăng ngày: 28/11/2023 - Lượt xem: 226
Văn Giang với việc phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20- NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo đột phá về nhận thức của cả hệ thống chính trị và xã hội về vai trò của KTTT từ đó phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. KTTT, hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; với điều kiện thực tế hiện nay thì mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, bởi lẽ hợp tác liên kết mới tạo ra khu sản xuất tập trung, tạo cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu lớn và là cơ sở quan trọng để đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất theo quy trình công nghệ, tiêu chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, tạo ra lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Giang đã quan tâm định hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp thông qua việc ban hành các chương trình, đề án, nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển KTTT. Phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, Hội Nông dân huyện đã làm tốt vai trò là trung tâm và nòng cốt, chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các ngành liên quan trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển KTTT mà nòng cốt là hợp tác xã để phát triển sản xuất kinh doanh tại địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, hội viên nông dân, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội đã chủ động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất; phát triển KTTT, các tổ hợp tác, liên kết giữa các hộ đã tích tụ, tập trung được đất đai, tiền vốn, năng lực quản lý, hình thành các mô hình chuyên canh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Việc xây dựng và phát triển thành công các mô hình KTTT sẽ là cơ sở quan trọng để góp phần hoàn thành chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, của tỉnhtrên cơ sở tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Các cấp hội đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp mở các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phối hợp với các trung tâm, viện nghiên cứu tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về xu hướng chung của sản xuất nông nghiệp Thế giới và Việt Nam, giúp đỡ hội viên nông dân tiếp cận được các nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, từ vốn ủy thác Ngân hàng chính sách, các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng NN&PTNT dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nguồn vốn của cán bộ hội viên, thành viên tổ hợp tác, HTX... Tư vấn, hỗ trợ các tổ hợp tác mở rộng quy mô, phát triển thành các hợp tác xã, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (công nghệ tưới, phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động; sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ…); chú trọng phát triển làng nghề thủ công, xây dựng nhãn hiệu tập thể, các sản phẩm OCOP với chuỗi các sản phẩm chủ lực như: Quất cảnh Văn Giang, Cam Văn Giang,làng nghề hoa, cây cảnh Phụng Công, Xuân Quan...và các sản phẩm OCOP như bánh tẻ Phụng Công, bánh dày Làng Gàu, bánh cuốn Mễ Sở...

Với các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển khá nhanh về cả số lượng và chất lượng. Đến nay, trên địa bàn huyện thành lập mới 02 chi hội nghề nghiệp, 13 tổ hội nghề nghiệp, 11 tổ hợp tác, 03 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó nhiều hợp tác xã đã tham gia vào chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương, tiêu biểu như: Mô hình sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn các xã Xuân Quan, Phụng Công, Mô hình trồng cam, quất cảnh tại các xã Liên Nghĩa, Mễ Sở, Thắng Lợi và Tân Tiến, mô hình liên kết sản xuất rau, quả tại HTX sản xuất rau, củ quả an toàn Ngọc Bộ, Vĩnh Khúc và HTX sản xuất rau củ quả an toàn Văn Giang; mô hình liên kết trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Tân Tiến, Thắng Lợi và thị trấn Văn Giang.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, thực sự trở thành phong trào nòng cốt trong phát triển kinh tế của hội viên nông dân. Hàng năm bình quân có 6.215 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhờ hoạt động hiệu quả, có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức, cách thức vận động, tập hợp, thu hút, hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo động lực, khích lệ, lôi cuốn hàng vạn hộ nông dân tham gia (nhiệm kỳ 2018- 2023 đã kết nạp mới được 1.836 hội viên).Phong trào đã góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đến nay toàn huyện đã có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng thôn mới kiểu mẫu, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,21%,cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, cảnh quan môi trường ngày càng sạch đẹp...

Từ những kết quả nổi bật nêu trên đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến, tiêu biểu như: HTX hoa, cây cảnh Văn Giang, CLB Hoa, cây cảnh Văn Giang, tổ liên kết sản xuất hoa trà Phụng Công... nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Tuyên, năm 2022 đã được Chủ tịch nước tặng Huân Chương Lao động hạng 3, anh Hoàng Anh Tiến, hội viên nông dân xã Phụng Công được bình chọn là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023... Hiệu quả đạt được từ những mô hình kinh tế đã và đang áp dụng tại địa phương cho thấy phát triển KTTT, hợp tác xã đã góp phần chuyển dịch kinh tế nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết, hợp tác trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, là một hướng đi đúng đắn và phù hợp trong giai đoạn hiện nay góp phần sớm thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong huyện tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hội cấp trên; tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân, vận động hội viên nông dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, tổ chức các lớp đào tạo nghề để nâng cao trình độ tay nghề cho hội viên nông dân, tiếp tục xây dựng mới và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả…cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội HND tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028.

Lê Thị Hồng Hạnh – Hội Nông dân tỉnh

Tin liên quan